NGÀNH XÂY DỰNG 2021: QUA CƠN BĨ CỰC, TỚI HỒI THÁI LAI?

0
85893
Sự chững lại và phân hoá của ngành xây dựng phản ảnh rõ rệt lên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong đó lợi nhuận của Coteccons, Ricons và Xây dựng Hòa Bình đều sụt giảm đáng kể.
Sau nửa đầu năm 2020 ảm đạm, ngành xây dựng hồi phục trong nửa cuối năm với tăng trưởng thực cả năm đạt 6,8%, tuy nhiên đây vẫn là mức thấp nhất từ năm 2014 tới nay, chủ yếu bởi nhu cầu đầu tư tư nhân và nước ngoài giảm trong môi trường kinh tế gián đoạn và rủi ro gia tăng do bùng phát dịch Covid-19.
Tốc độ tăng trưởng thực giá trị gia tăng lũy kế ngành xây dựng và kinh tế Việt Nam

Lợi nhuận lao dốc trong năm 2020

Sự chững lại và phân hoá của ngành phản ảnh rõ rệt lên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong đó lợi nhuận của các “ông lớn” như Coteccons, Ricons và Xây dựng Hòa Bình đều sụt giảm đáng kể.
Năm 2020 chứng kiến cuộc chia tay tốn nhiều giấy mực giữa Coteccons (mã CTD) và Ricons, qua đó gián tiếp đặt dấu chấm hết cho “đế chế” mang tên Coteccons Group. Sự đổ vỡ này sau đó đã kéo theo nhiều hệ lụy đối với hoạt động của cả 2 doanh nghiệp theo những chiều hướng khác nhau trong các quý gần đây.
Riêng trong quý cuối cùng của năm 2020, lợi nhuận của Coteccons (mã CTD) giảm tới gần 60% so với cùng kỳ xuống còn 94 tỷ đồng. Cũng tăng trưởng âm (-33% so với cùng kỳ) nhưng Ricons vẫn thu về 104 tỷ đồng lãi ròng, ghi nhận quý đầu tiên vượt mặt Coteccons về lợi nhuận.
Tính chung cả năm 2020, Coteccons ghi nhận 14.597 tỷ đồng doanh thu và 463,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng giảm 38,5% và 35% so với năm trước. Đáng chú ý, các chi phí quản lý, cụ thể là chi phí SG&A tăng bất thường trong bối cảnh biên lợi nhuận kinh doanh không tăng trưởng.
Tương tự, Ricons cũng ghi nhận sự sụt giảm trong cả 2 chỉ tiêu kinh doanh chính trong năm 2020. Trong đó, doanh thu giảm nhẹ 9% xuống 7.955 tỷ đồng và lợi nhuận ròng giảm 30% xuống 251 tỷ đồng.
Một cái tên cũng ghi nhận sự lao dốc mạnh trong năm vừa qua là Xây dựng Hoà Bình (mã HBC) khi lợi nhuận của “ông lớn” ngành xây dựng trong riêng quý 4/2020 đã “bốc hơi” tới 96% xuống còn vỏn vẹn 7,2 tỷ đồng. Biên lãi gộp cũng co lại từ 6,7% xuống còn 5%.
Lũy kế cả năm 2020, Xây dựng Hoà Bình ghi nhận 11.228 tỷ đồng doanh thu và 70 tỷ đồng lãi sau thuế, tương ứng giảm 40% và 83% so với năm 2019. Đây cũng là mức lợi nhuận sau thuế thấp nhất của doanh nghiệp xây dựng này kể từ năm 2015. Với kết quả đạt được, Hòa Bình mới thực hiện được 56% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
  

Ánh sáng phía cuối đường hầm

CTCK FPTS vẫn đánh giá tích cực về triển vọng ngành xây dựng năm 2021 với tăng trưởng thực dự phóng đạt 7,2%, dựa trên kịch bản cơ sở dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát và tạo điều kiện cho kinh tế phục hồi.
Trong năm 2021, xây dựng nhà không để ở được dự báo sẽ tăng trưởng cao nhất ở 8,7% nhờ vào dấu hiệu khôi phục của du lịch và sản xuất công nghiệp nội địa trong cuối năm 2020.
Trong khi đó, do tới khoảng 93% thị trường xây dựng nhà ở tại Việt Nam là nhà tự xây tự ở, ít nhạy cảm với thay đổi ngắn hạn của môi trường kinh tế, xây dựng nhà ở có thể đạt tăng trưởng dự phóng ở mức 7,2% nhờ được hưởng lợi từ các cải cách pháp lý có hiệu lực từ đầu năm 2021
Ngược lại, triển vọng lĩnh vực cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục ở mức thấp nhất trong ngành xây dựng (4,9%) và khó có đột phá trong ngắn hạn trong bối cảnh ngân sách hạn chế và hiệu quả của Luật PPP 2020 chưa rõ ràng.
                                                               Biểu đồ ngành xây dựng 2018-2021
Tăng trưởng thực dự phóng ngành xây dựng Việt Nam
Mặt khác, FPTS cho rằng giá nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến từ cuối năm 2020 có thể sẽ tiếp tục “ăn mòn” lợi nhuận và tăng rủi ro cho các doanh nghiệp xây dựng trong năm tới. Thực tế, nguyên vật liệu chiếm tới khoảng 70% chi phí xây dựng, trong đó thép và xi măng được sử dụng nhiều nhất, lần lượt chiếm khoảng 45% và 15% chi phí nguyên vật liệu.
Theo FPTS, xu hướng giá thép Việt Nam trong năm 2021 rất khó để đánh giá và sẽ là rủi ro đáng kể đối với các nhà thầu xây dựng. Trong khi đó, nhu cầu chững lại trong khi nguồn cung tăng từ nhiều nhà máy xi măng tại miền Trung và miền Nam đi vào hoạt động sẽ giữ áp lực cạnh tranh ở mức cao, dẫn tới giá xi măng dự kiến sẽ không đột biến đáng kể trong năm 2021.
(nguồn: bsc.com.vn)

LEAVE A REPLY