Ngành vật liệu xây dựng được dự báo sẽ có những tăng trưởng tốt trong 2021 nhờ 2 động lực chính là từ làn sóng đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng và thị trường xuất khẩu.
Kỳ vọng làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng trong năm 2021
Tại báo cáo chiến lược công bố mới đây, VNDirect bày tỏ góc nhìn lạc quan về ngành vật liệu xây dựng trong năm 2021, theo đó, vật liệu xây dựng sẽ là ngành được hưởng lợi lớn nhất trong xu hướng đẩy mạnh đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng từ năm 2021.
Trong các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đang được triển khai, cao tốc Bắc – Nam là dự án đáng chú ý nhất. Theo ước tính, 40% vốn đầu tư công cho dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam sẽ được giải ngân trong năm 2021 và 60% chi phí xây dựng (23,7 nghìn tỷ đồng) sẽ được phân bổ vào chi phí nguyên vật liệu.
Trong năm 2021, VNDirect dự kiến dự án các dự án này sẽ cần huy động khoảng 5,9 nghìn tỷ đồng nhựa đường, 6,4 nghìn tỷ đồng thép xây dựng và 3,8 nghìn tỷ đồng xi măng. Để hoàn thành toàn bộ các dự án này vào năm 2023, ước tính tổng chi phí dành cho nhựa đường, thép xây dựng và xi măng sẽ lần lượt cần khoảng 20,8 nghìn tỷ đồng, 14,8 nghìn tỷ đồng và 8,9 nghìn tỷ đồng.
Ước tính cơ cấu chi phí của các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam được VNDirect tính toán dựa trên dự toán chi phí xây dựng được quy định tại Thông tư 09/2019/TT-BXD (ban hành ngày 26/12/2019) của Bộ Xây dựng (BXD) và cơ cấu chi phí của các dự án cao tốc đã được thực hiện tại Việt Nam trong giai đoạn 2015 – 2018.
Động lực từ thị trường xuất khẩu
Động lực tăng trưởng thứ hai đến từ thị trường xuất khẩu, khi mà xuất khẩu thép và xi măng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 9 tháng đầu năm 2020.
Nhóm nghiên cứu VNDirect đánh giá: “Việt Nam có thể được hưởng lợi theo kế hoạch đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng mạnh mẽ của Trung Quốc. Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu thép và xi măng cho lĩnh vực xây dựng hạ tầng sắp tới của Trung Quốc sẽ tăng đáng kể do quốc gia này đã phê duyệt và bắt đầu triển khai xây dựng hàng loạt dự án hạ tầng từ quý II/2020”. Do đó, VnDirect đưa ra dự báo rằng xu hướng này sẽ tiếp diễn tối thiểu đến giữa năm 2021, thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu thép và xi măng vào Trung Quốc.
Theo S&P Global Platts, Trung Quốc đã phê duyệt 14 dự án sân bay với tổng vốn đầu tư lên tới 105,7 tỷ Nhân dân tệ (15,3 tỷ USD) trong giai đoạn từ tháng 1 – 7/2020, cao hơn 13% giá trị phê duyệt của cả năm 2019. Ngoài ra, 22 dự án đường sắt cũng đã được chấp thuận đầu tư trong vòng 7 tháng, bên cạnh 16 dự án khác dự kiến sẽ sớm được phê duyệt. Tổng chiều dài các dự án này đạt 5.801km, tương đương tổng chiều dài của tất cả các dự án được phê duyệt năm 2019.
Hầu hết các dự án trên sẽ được khởi công xây dựng trong 6 tháng cuối năm 2020. S&P Global Platts ước tính nhu cầu thép của các dự án cở sở hạ tầng lớn tại Trung Quốc (bao gồm các dự án mới được phê duyệt và các dự án đường sắt, sân bay lớn đã được phê duyệt trong giai đoạn 2016 – 2019) sẽ tăng 24% so với cùng kỳ lên khoảng 23 triệu tấn trong năm 2020 và tiếp tục tăng 20% so với cùng kỳ lên 28 triệu tấn vào năm 2021.
Nhìn lại thị trường thép trong 2020 có thể thấy, xuất khẩu sắt thép từ Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng mạnh kể từ tháng 6/2020.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải Quan, Trung Quốc đã vượt qua ASEAN để trở thành thị trường nhập khẩu sắt thép lớn nhất của Việt Nam trong 10T20, đạt 2,93 triệu tấn (+1.414% so với cùng kỳ), tương đương 36,7% tổng sản lượng sắt thép xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ.
Ngành xi măng ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu
Tương tự, nhu cầu vật liệu xây dựng tăng mạnh tại Trung Quốc từ quý II/2020 cũng giúp sản lượng xuất khẩu xi măng và clinker tăng mạnh 112,5% so với cùng kỳ trong quý III/2020 sau khi tăng 69,1% so với cùng kỳ trong quý II/2020 (so với mức giảm 4,5% so với cùng kỳ trong quý I/2020).
“Ngành xi măng Việt Nam đang phụ thuộc ngày càng nhiều vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia nhập khẩu xi măng lớn khác (Philippines và Bangladesh) đang áp thuế tự vệ đối với xi măng Việt Nam”, nhóm nghiên cứu đánh giá.
(nguồn: reatimes.vn)